Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 294.047 trẻ em (dưới 16 tuổi), chiếm 24% dân số của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban VHXH của HĐND tỉnh
đến thăm các cháu mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh và xã hội, từ năm 2010 – 2012 toàn tỉnh có 12.302 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gồm: 505 em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; 803 em lao động sớm, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm; 796 em là nạn nhân của chất độc hoá học; 8.450 trẻ em khuyết tật; 26 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, 350 em lang thang; 316 trẻ em vi phạm phát luật; 05 em nghiện ma tuý, 731 em phải làm việc xa gia đình. Ngoài ra, còn có 08 em bị bạo hành, 5.622 em bị tai nạn thương tích. Trong đó, đáng lưu ý là trẻ em lang thang, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng (trẻ lang thang 2010 là 126 đến 2012 là 224, trẻ em vi phạm pháp luật là 101 năm 2010 đến 2012 là 215 em), đặc biệt trẻ em bị xâm hại tình dục (năm 2010 là 35 em, năm 2012 là 19 em) trẻ bị ngược đãi, bạo hành (năm 2011 là 6 em, năm 2012 là 2 em) có xu hướng giảm, tuy nhiên trong thời gian tới các ngành các cấp cần quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.
Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính quyền địa phương các cấp, các ngành, cơ sở vật chất được đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật về trẻ em. Qua đó, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí đạt 92%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiếm 20,6%; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng đạt 97%; Huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt gần 100%; tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp tiểu học năm 2012 đạt 99,6%, THCS đạt 89,95%; tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên quan các năm học, ở cấp tiểu học khá, giỏi đạt tỷ lệ 57,55% (2004) tăng lên 62,58% (2012); cấp THCS khá, giỏi đạt tỷ lệ 26,89% (2004) tăng lên 45,18% (2012).
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được các cấp ủy Đảng chính quyền, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện trong khả năng sẵn có của địa phương để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc và phát triển toàn diện, được hòa nhập cùng cộng đồng. Hiện nay trong toàn tỉnh có 05 cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm nuôi dạy trẻ em, qua đó tính đến năm 2012 có 395 trẻ được nuôi dưỡng tại các cơ sở này. Ngoài ra, trong 03 năm (2010-2012) đã có 30 trẻ em khuyết tật được phẫu thuật phục hồi chức năng; nhiều xe đạp được tặng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi; tặng xe lăn cho trẻ em tàn tật khuyết tật; hỗ trợ trẻ em phẫu thuật tim bẩm sinh; có 601.503 học sinh được miễn, giảm học phí với số tiền là 13,637.87 triệu đồng, hỗ trợ chi phí học tập cho 51.694 học sinh với hơn 20,407.04 triệu đồng; một số bệnh viện thành lập phòng tư vấn dinh dưỡng “Mặt trời bé thơ” để tư vấn cho các bà mẹ về cách nuôi con bằng sữa mẹ…
Năm 2012, tỉnh chọn huyện Phú Tân, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn làm mô hình thí điểm liên kết lồng ghép các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ trẻ em. Năm 2013 tỉnh chọn 36 xã, của 9 huyện, thành phố Cà Mau, mỗi đơn vị 4 xã làm mô hình triển khai thí điểm cung cấp tư vấn liên kết dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn nhiều hạn chế
(Ảnh: 01 phòng bệnh tại bệnh viện Sản – Nhi tỉnh)
Việc chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, hàng năm vào tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, trong các dịp hè … đều tổ chức diễn đàn: “Lắng nghe trẻ em nói”, “Trại hè thiếu nhi”, “Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ”, “Liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó”…. Tại các diễn đàn lãnh đạo các ngành, các cấp đã nghiêm túc tắng nghe và tiếp thu các ý kiến của trẻ em, từ đó có những điều chỉnh về tình hình bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của địa phương để phù hợp với trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thì so với nhu cầu thực tế sân chơi cho các em còn thiếu nhiều, nhất là ở các huyện và xã. Các sân chơi, trò chơi, hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em chưa được quy hoạch, đầu tư đồng bộ. Các diễn đàn, chương trình hành động vì trẻ em được tổ chức chưa nhiều, chưa thường xuyên, nội dung còn thiếu tính sáng tạo, công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại, nguôc đãi trẻ em chưa kịp thời. Công tác triển khai Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền là chính, còn việc hướng dẫn thực hiện cụ thể cũng như xử lý vi phạm thì chưa được thực thi một cách có hiệu quả.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đồng thời triển khai có hiệu quả chỉ thị số 20/CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, và các đoàn thể trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người nhận thấy tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề này. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục được tăng cường; Kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, gia đình dân tộc; Huy động và sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu vì trẻ em theo kế hoạch và định hướng chung; Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Mộng